Trong bài viết của mình, tác giả Hà Anh Tuấn đã chỉ ra những phi lý của thị trường cơm hộp hiện tại: dung lượng thị trường quá lớn, trong khi những nhà cung cấp hiện tại trong hàng chục năm qua vẫn chưa giải quyết được những nhu cầu của khách hàng, về tính vệ sinh, sạch sẽ, về đồ ăn cần được phục vụ nóng sốt, không có mùi khó chịu của hộp cơm.
Là người đã nặng lòng với món ngon Hà Nội vài năm qua, nổi máu nghề nghiệp, tôi đã khảo sát nhanh hơn 100 nhân viên văn phòng để có cái nhìn cụ thể hơn về thị trường cơm hộp. Thật ngạc nhiên, hơn 97% người được hỏi lo ngại về mức độ vệ sinh của cơm hộp do hộp cơm bị quay vòng quá nhiều, và nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng. Con số tương tự cho việc không hài lòng với mùi hộp nhựa trong thức ăn, cơm bị nguội và phục vụ chậm là 86%, 79% và 56%.
Tỷ lệ không hài lòng này là quá cao trên thị trường nói chung, nhưng có lẽ, khách hàng chưa có sự lựa chọn nào khác, hoặc ít nhất, họ phải buộc chấp nhận để đổi lại sự thuận tiện mà cơm hộp mang lại. Tuy nhiên, từ phía nhà sản xuất, tỷ lệ này đáng báo động, và cơ hội khẳng định thương hiệu sẽ mở ra với những ai có giải pháp mới để làm hài lòng khách hàng.
Từ kết quả này, tôi chợt liên tưởng tới hệ thống giao cơm trưa khổng lồ tại một số thành phố lớn ở Ấn Độ, nơi mà phần lớn những người vợ luôn tự chuẩn bị cho các ông chồng của mình làm việc ở công sở. Và mỗi người chồng luôn được thưởng thức bữa trưa nóng sốt do chính tay vợ mình nấu, qua một hệ thống giao cơm rộng khắp, nhịp nhàng, và luôn đúng giờ – một điều đáng tự hào và “đặc sản” không kém gì môn yoga.
Tôi cũng nghĩ tới những chuỗi thức ăn nhanh (KFC, Lotteria, …) đang phát triển khá mạnh mẽ ở các đô thị Việt Nam. Theo trang web của KFC, họ đã có hơn 80 cửa hàng tại thời điểm hiện tại. Rất sạch sẽ, vệ sinh và tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn, cùng với cách xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp, những công ty fastfoods đã làm lên thị trường ước tính hơn 500 tỷ đồng trong năm 2010. Mặc dù với khẩu vị rất Tây, và mức giá khá cao, fastfoods nói chung chưa thể trở thành bữa ăn hằng ngày cho người Việt chúng ta. Nhưng ít nhất, cơm hộp có thể học những gì từ họ, để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng, về tính vệ sinh an toàn thực phẩm?
Cơm hộp – những bữa ăn thuần khẩu vị Việt, có thể ăn hằng ngày, nhưng chưa xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng về vệ sinh, về bao bì tái sử dụng. Fastfoods, tuy không hợp khẩu vị với người Việt, nhưng luôn sạch sẽ, đúng giờ và được không ít người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.
Vấn đề là, từ bài học của iPad, liệu những doanh nhân Việt nhạy bén của chúng ta có thể ‘lai tạo’ một suất ăn trưa kiểu mới, ở đó khẩu vị Việt đậm đà như cơm hộp được ‘xe duyên’ với sự sạch sẽ, dịch vụ giao nhận đúng giờ như fastfoods?